Điều trị bệnh lý đổ mồ hôi tay bằng phẫu thuật nội soi

Mở đầu

Tăng tiết mồ hôi tay quá mức là một tình trạng tiết mồ hôi quá mức ở các nơi trên cơ thể, hay gặp nhất là ở bàn tay, bàn chân, nách, mặt…Nguyên nhân do cường hệ thần kinh giao cảm, chủ yếu gặp ở những người trẻ. Theo các thống kê bệnh có thể chiếm đến 1% dân số. Nó không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây rất nhiều khó khăn, phiền hà trong làm việc và sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt ra nhiều mồ hôi tay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chức năng cầm nắm, viết và tâm lý.  Mồ hôi tay ra nhiều ảnh hưởng rất lớn đến thao tác nghề nghiệp, có nhiều người phải bỏ nghề và hầu như không có người yêu vì mặc cảm. Cũng chính vì mặc cảm nên phạm vi giao tiếp xã hội của họ bị thu hẹp, họ trở nên lầm lì ít nói, đôi lúc cộc cằn.


Dịch tễ, nguyên nhân, triệu chứng

Theo tài liệu trong y văn và thực nghiệm, người ta thấy rằng hiện tượng tăng tiết mồ hôi là do tình trạng cường giao cảm của người bệnh. Theo Adar, tần suất: 0.6 – 1% ở vùng nhiệt đới, nóng và ẩm, tỉ lệ nam nữ gần như tương đương, trung bình 20 – 30 tuổi, di truyền khoảng 12.5 – 56.5%. Nguyên nhân thứ phát thường là tổn thương thần kinh, rối loạn nội tiết, nguyên phát vô căn:giả thuyết cường giao cảm.

Triệu chứng:

  • Thường từ nhỏ, không gây hại sức khoẻ
  • Ảnh hưởng: lao động, giao tiếp, sinh hoạt
  • Đối xứng, thường kèm tăng tiết mổ hôi chân ở chân

Yếu tố khởi phát:

  • Lo lắng, bồn chồn                           100.00%
  • Suy nghĩ, tập trung cao                    96.03%
  • Xúc động                                           95.04%
  • Ăn gia vị                                             87.12%
  • Thời tiết nóng nực                             86.13%
  • Uống rượu bia                                    81.18%

Hậu quả:

  • Giảm thể lực                                         3.46%
  • Giảm trí lực                                        82.67%
  • Giảm hiệu quả lao động                    86.60%
  • Trở ngại trong sinh hoạt                   87.62%
  • Ngại giao tiếp                                     93.06%

Điều trị

Có nhiều phương pháp để điều trị chứng đổ mồ hôi tay đã được áp dụng. Các thầy thuốc nội khoa thường chỉ định dùng các thuốc ức chế giao cảm, thuốc làm giãn mạch ngoại vi và thuốc ức chế kênh Calci như Adalate nhưng không có hiệu quả, bệnh nhân lại bị những tác dụng phụ của thuốc rất khó chịu.
Một phương pháp nữa cũng được các thầy thuốc áp dụng trong một thời gian dài cho bệnh nhân đổ mồ hôi tay là tiêm nước nóng vào hạch thần kinh giao cảm để diệt các sợi giao cảm, phương pháp này cũng cho kết quả khá tốt, nhưng nhiều khi do không kiểm soát được mức độ lan rộng của nhiệt, những cơ quan khác cạnh hạch lại bị tổn thương.
Từ lâu các thầy thuốc ngoại khoa cũng đã đề ra phương pháp cắt hạch thần kinh giao cảm để điều trị chứng đổ mồ hôi tay. Qua nghiên cứu cho thấy các hạch ngực 2 và 3 chi phối việc bài tiết mồ hôi của bàn và cánh tay. Do đó, chỉ cần cắt hai hạch này là đủ. Tuy nhiên, vào thời kỳ trước năm 1988, khi chưa có phẫu thuật qua ngả nội soi lồng ngực, việc cắt hạch thần kinh giao cảm ngực để điều trị chứng đổ mồ hôi tay phải thực hiện qua phẫu thuật mở lồng ngực rất phức tạp, thời gian mổ kéo dài trên 2 giờ, phẫu thuật lớn nhưng phần hạch cắt rất nhỏ, bệnh nhân đau nhiều sau phẫu thuật. Ngày nay, để điều trị chứng đổ mồ hôi tay hầu hết các nước trên thế giới và tại các cơ sở phẫu thuật lồng ngực và tim mạch ở Việt Nam đều áp dụng kỹ thuật cắt hạch thần kinh giao cảm ngực qua ngả nội soi bởi kỹ thuật này có nhiều ưu điểm so với phương pháp mổ hở kinh điển: xâm nhập tối thiểu, giảm được các biến chứng, rút ngắn thời gian nằm viện. Ngoài ra, với sự trợ giúp của các camera, người thầy thuốc có thể quan sát rõ trên màn hình: độ phóng đại lớn, tiếp cận gần, thuận lợi cho công tác huấn luyện và đào tạo. Thêm vào đó, phẫu thuật này còn rút ngắn được thời gian mổ, các đường rạch tối thiểu, giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh viêm gan, AIDS do không đụng chạm, nhất là ít đau sau mổ, đạttiêuchuẩn thẩm mỹ.
Trước khi mổ bệnh nhân cần được giải thích rõ khả năng đổ mồ hôi bù trừ tại những vị trí khác như nách, thân mình, mông (chiếm trên 20% số bệnh nhân được phẫu thuật). Chính hiện tượng này làm giảm tính chất ngoạn mục của phẫu thuật, tuy nhiên nhiều bệnh nhân chấp nhận. Một số biến chứng khác có thể xảy ra trong điều trị như: tràn khí màng phổi (chiếm 2,7%), tràn khí dưới da (2%), tràn máu màng phổi (90,1%), xẹp một phân thùy phổi (0,4%), đau sau mổ hay còn gọi là đau giao cảm (xảy ra trong 3 tháng đầu), đau ở vai và mặt ngoài cánh tay mà nguyên nhân của nó là tình trạng tăng tính nhạy cảm của da vùng không cắt thần kinh giao cảm.
Phương pháp nội soi lồng ngực không nên làm với bệnh nhân dày dính màng phổi, người không chịu được gây mê với thông khí chọn lọc một bên phổi, người bị rối loạn đông máu khó kiểm soát và nhồi máu cơ tim.

Giới thiệu về bacsivietthanh

Bác sỹ phẫu thuật - Giảng viên chính Surgeon - Medical Lecturer
Bài này đã được đăng trong Lồng ngực. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *